XỬ LÍ BÙN THẢI THEO HƯỚNG TÁI CHẾ

ND - Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ một khối lượng rất lớn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, đồng thời thải vào môi trường một khối lượng tương ứng các loại chất thải, trong đó có các loại bùn thải. Hiện nay, phần lớn các loại bùn thải được đưa vào các bãi chôn lấp mà không qua xử lý, tái chế.

Ông Nguyễn Trung Việt - Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, chỉ có bùn thải từ hoạt động nạo vét cống rãnh, kênh rạch và bùn bể tự hoại được vận chuyển bằng xe chuyên dụng và sà-lan. Trước đây, toàn bộ lượng bùn thải từ hệ thống thoát nước được vận chuyển và đổ lên bãi chôn lấp Ðông Thạnh (quận 12). Từ nhiều năm nay, sau khi bãi chôn lấp Ðông Thạnh đóng bãi, lượng bùn thải này không có chỗ đổ xác định. Bùn thải từ các trạm, nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, đô thị tập trung sau khi tách nước (làm khô) được vận chuyển đến các bãi chôn lấp vệ sinh cũng "không xác định" hoặc được xử lý bằng phương pháp sinh học hiếu khí, sản phẩm được sử dụng để chế biến phân hữu cơ. Ðối với bùn thải nguy hại được xử lý bằng phương pháp đốt kết hợp hóa rắn tro sau đốt. Tuy nhiên, một khối lượng đáng kể bùn thải công nghiệp bị đổ chung với chất thải rắn sinh hoạt nhằm giảm chi phí xử lý. Bùn hầm cầu thì được thu gom, vận chuyển và xử lý bằng phương pháp cơ học kết hợp sinh học hiếu khí và sản phẩm được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ. Bùn thải từ các nhà máy xử lý nước thì đang xả trực tiếp vào nguồn nước hoặc lưu giữ trong các hồ chứa để xử lý. Sau khi lưu giữ trong các hồ chứa để tách nước, bùn thải được chở đến các địa điểm đổ "không xác định". Bùn thải từ các công trường xây dựng cũng không có chỗ đổ xác định.

Như vậy, trừ bùn hầm cầu được xử lý và sử dụng làm phân bón 100%, các loại bùn khác chỉ được xử lý sơ bộ hoặc không xử lý và đổ trực tiếp vào các bãi chôn lấp hoặc các địa điểm "không xác định" với tỷ lệ tái chế rất thấp. Một vấn đề lớn hiện nay là thành phố không dự trù bất cứ khoản kinh phí nào để xử lý các loại bùn thải phát sinh từ dịnh vụ công (bùn thải từ hệ thống thoát nước và bùn thải hoạt động nạo vét kênh rạch). Vì vậy, bùn thải các loại trên thường không được xử lý mà xả thẳng đến bãi chôn lấp để có chi phí thấp nhất. Ước tính, chi phí xử lý các loại bùn trên khoảng 300 nghìn đồng/tấn và trên dưới 1.000 tỷ đồng/năm.

TS Phan Thu Nga, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ năm 2007, Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh đã quan tâm tìm kiếm công nghệ xử lý bùn các loại và đã tập hợp các nhà khoa học tham gia nghiên cứu đề xuất công nghệ xử lý cũng như các giải pháp quản lý bùn. Có chín đề tài liên quan đã được triển khai thực hiện từ năm 2007 đến năm 2011 và có bảy đề tài đã được nghiệm thu. Ðiển hình như đề tài "Nghiên cứu xử lý bùn thải (XLBT) công nghiệp",  "Nghiên cứu đề xuất công nghệ xử lý, tận dụng bùn thải và nước tách bùn từ các nhà máy cấp nước của TP Hồ Chí Minh", "Ðề xuất các giải pháp công nghệ và quản lý bùn nạo vét cống rãnh và kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh",   "Nghiên cứu các giải pháp công nghệ và quản lý bùn thải từ các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn TP Hồ Chí Minh", "Nghiên cứu đề xuất các giải pháp tổng hợp xử lý bùn ao nuôi tôm ở huyện Cần Giờ",... Ngoài ra, còn một số đề tài khác đang thực hiện như  "Nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bùn thải Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng bằng mô hình đống ủ thông khí cưỡng bức có phối trộn vật liệu hữu cơ", "Nghiên cứu sản xuất các loại phân hữu cơ từ nguồn nguyên liệu chất thải hầm cầu sau xử lý phục vụ nông nghiệp",... Tuy nhiên, việc thực hiện các công nghệ  hiện nay còn gặp nhiều vướng mắc cần giải quyết. Công nghệ XLBT hiện là hiếu khí trong các nhà xưởng hở nên việc kiểm soát mùi rất khó khăn. Vì vậy, cần lắp thêm hệ thống thu khí và xử lý khí thải cho các nhà xưởng. Ngoài ra, thành phố cần có quy hoạch nhanh chóng bãi đổ bùn từ các nhà máy xử lý nước trước tình hình đến năm 2025 sẽ có 12 nhà máy xử lý nước với lượng bùn phát sinh khoảng 720 tấn/ngày.

Theo các chuyên gia trong ngành thì công nghệ XLBT nên theo thứ tự ưu tiên từ công nghệ đơn giản nhất và theo hướng tái chế.  Hai giải pháp khả thi về XLBT tại TP Hồ Chí Minh là chôn lấp hợp vệ sinh đối với bùn thô và tái sử dụng trong nông, lâm nghiệp. Trong đó, tái sử dụng là giải pháp được khuyến khích bởi nhiều loại bùn thải có thể sản xuất thành phân bón hoặc thức ăn cho gia súc.

 

Các bài khác: