LOAY HOAY XỬ LÍ BÙN THẢI

1,2 triệu tấn/tháng là lượng bùn thải mà môi trường TPHCM đang phải tiếp nhận. Thế nhưng, khác với rác thải đô thị đang được thu gom và xử lý, bùn thải đang bị đổ bừa ra ngoài môi trường. Nguyên nhân do loại chất thải này vẫn chưa có nơi tiếp nhận và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

Bãi chứa bùn thải... khắp nơi

Dọc đường Nguyễn Văn Linh kéo dài từ quận 7 đến huyện Bình Chánh đang là một trong những điểm nóng về bãi tập kết bùn thải tự phát. Nhiều người dân sống dọc con đường này cho biết, từ khi lòng đường Nguyễn Văn Linh được xây dựng hoàn thiện nhưng hệ thống vỉa hè bị “bỏ quên” thì nơi đây cũng trở thành điểm tập kết lý tưởng cho các loại bùn thải và rác thải. Các xe chở bùn thải thường chọn thời điểm khuya, khoảng sau 0 giờ để lén đổ bùn. Hiện các bãi tập kết bùn thải tự phát dọc khu vực này đã chất cao như núi. Chưa hết, rất nhiều xe chở rác dân lập thỉnh thoảng cũng chọn nơi này đổ rác. Bùn thải trộn lẫn với rác thải bốc mùi hôi thối và trở thành nỗi ám ảnh cuộc sống người dân nơi đây. Tương tự, dọc tỉnh lộ 10, quốc lộ 50 hay tại xã Phạm Văn Hai… cũng thường bị biến thành nơi tập kết bùn thải tự phát.

Nhiều quận huyện cũng đang loay hoay tìm cách xử lý bùn thải. Đại diện Phòng TN-MT huyện Bình Chánh cho biết, khối lượng bùn thải phát sinh từ hoạt động nạo vét kênh rạch không được chuyển giao mà được huyện tái sử dụng bằng cách… đắp luôn lên bờ kênh để gia cố bờ. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ có thể áp dụng tại các quận, huyện có diện tích bờ kênh rộng và chưa được bê tông hóa như Bình Chánh. Còn tại nhiều quận huyện khác, nhất là khu vực nội thành thì không biết xử lý bằng cách nào ngoài việc thương thảo với người dân cho phép đổ được đâu thì đổ. Chỉ số ít các công ty dịch vụ công ích như quận 3 và quận 10 đang thực hiện chuyển giao bùn thải cho Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị để tái chế thành phân compost với giá 200.000 đồng/tấn.

Liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện TN-MT khẳng định, hiện trung bình mỗi tháng thành phố tiếp nhận khoảng 1,2 triệu tấn bùn. Trong đó, phần lớn lượng bùn thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, số còn lại phát sinh từ hoạt động nạo vét kênh rạch. Kết quả phân tích 60 mẫu bùn thải nói chung cho thấy rất nhiều mẫu bùn thải chứa chất thải nguy hại là kim loại hoặc các loại vi khuẩn, virus nguy hiểm. Dự kiến đến năm 2015, lượng bùn tiếp nhận hàng tháng tăng lên 3 triệu tấn. Tuy nhiên, với thực trạng tiếp nhận và xử lý tạm bợ như hiện nay thì quả là rất đáng lo ngại.

Cấp thiết xây dựng nhà máy xử lý

Trao đổi về giải pháp xử lý thực trạng bùn thải, đại diện Sở TN-MT cho biết, sự cấp thiết phải xử lý không chỉ đối với bùn thải từ hoạt động sản xuất, nạo vét kênh rạch mà còn bùn thải từ hoạt động xử lý nước thải đô thị. Hiện các nhà máy xử lý nước thải đô thị chỉ mới hoạt động 1/3 công suất thiết kế. Đến năm 2015 có 3 nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động hết công suất và tiếp nhận xử lý 50% lượng nước thải đô thị thì lượng bùn thải phát sinh sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Thực tế hoạt động xử lý bùn thải hiện nay chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ yêu cầu thực tế nhưng chất lượng cũng không đảm bảo. Hiện chỉ có Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị tiếp nhận và xử lý với công suất rất hạn chế. Số ít bùn thải phát sinh từ hoạt động của Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng được tái chế thành phân compost và chôn lấp tại bãi chôn lấp bùn thải Đa Phước. Thế nhưng, công nghệ sản xuất phân compost cũng chưa hoàn chỉnh. Đặc biệt, trong quá trình ủ phát sinh khí thải lớn, gây tác động ô nhiễm môi trường còn mùi rất nặng. Riêng bùn thải nạo vét từ các quận huyện khác, cho đến nay cũng đang rất khó khăn tìm địa điểm cũng như giải pháp xử lý. 

Để giải quyết căn cơ ô nhiễm môi trường từ bùn thải, theo ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, cần có quy định phân loại rõ đâu là bùn thải chứa chất thải nguy hại cần xử lý bằng biện pháp đốt bỏ và đâu là bùn thải có thể tái chế. Tránh tình trạng nhập nhằng loại bùn thải như hiện nay, vừa lãng phí nguồn nguyên liệu sản xuất là bùn thải vừa tăng chi phí xử lý. Ông Cao Tung Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT cho biết, sở đã trình UBND TP đề xuất thực hiện xã hội hóa đầu tư nhà máy xử lý bùn thải. Trong đó, một công ty sẽ đầu tư toàn bộ máy móc, trang thiết bị, nhân công và chi phí vận hành để xử lý toàn bộ bùn thải thành đất trồng cây và phân compost. Trước hết, công ty này chỉ yêu cầu được sử dụng 1/2 diện tích mặt bằng nhà máy xử lý bùn thứ cấp để xử lý miễn phí 8.000 tấn bùn thải đang đổ tại bãi chôn lấp Đa Phước. Sau khi xử lý hết 8.000 tấn bùn thí điểm để thấy hiệu quả thực tế, công ty sẽ tiến hành tiếp nhận bùn thải của thành phố với chi phí xử lý 1.300.000 đồng/tấn (thấp hơn chi phí hiện nay thành phố đang phải trả 1.350.000 đồng/tấn).

Theo đánh giá của Sở TN-MT, giải pháp xử lý bùn thải do công ty này đưa ra có hiệu quả về môi trường, kinh tế và xã hội. Đặc biệt, mùi hôi phát sinh trong quá trình xử lý giảm đáng kể và không gây tác động đến môi trường, dân cư xung quanh. Sản phẩm cuối cùng là phân bón sử dụng cho cây cao su, không phải đem chôn lấp gây ô nhiễm môi trường và lãng phí đất.

 

Các bài khác: